tet_2024_banner_hanoicabtruyen_hinh_cap_cua_nguoi_ha_noi

Ký ức chợ Hà Nội xưa

Những phụ nữ quẩy quang gánh hàng rong trên phố hay đến các phiên chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân được lưu dấu ấn qua khung ảnh đen trắng.

Quang cảnh phiên chợ Bưởi. Chợ thuộc làng Yên Thái, mỗi tháng họp sáu phiên vào các ngày 4 và 9. Thời đó, mọi người thường truyền tai câu thơ: "Chợ Yên một tháng sáu phiên/ Ai về phiên chợ làng Yên thì về". Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Hình ảnh chợ Đồng Xuân, Bưởi, hoa tết, phiên chợ truyền thống, gánh hàng rong... trên khắp phố phường Hà Nội từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 được giới thiệu trong triển lãm "Ký ức chợ xưa", ngày 25/4 trên nền tảng trực tuyến. Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức nhằm đưa công chúng trở về với Hà Nội xưa qua những tư liệu, hình ảnh.

Phía trước khu chợ trên phố Huế chụp tháng 12/1926. Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội.

Xưa kia Thăng Long (Hà Nội) còn được gọi là Kẻ Chợ - nơi hội họp buôn bán đông đúc của cả vùng, với mạng lưới chợ được hình thành ở khu phố cổ và các vùng lân cận. Paul Bourde - thông tin viên Thời báo ở Bắc Kỳ năm 1883 - mô tả: "Hà Nội không có chợ mái che, cũng không có nơi quy định để họp chợ. Cả thành phố biến thành một cái chợ mênh mông ngoài trời. Cứ sáu ngày lại có một phiên chợ. Lái buôn, thợ thủ công đủ các loại từ làng mạc xung quanh kéo tới. Mặt phố tràn ngập người".

Gánh tiết canh lòng lợn ở khu chợ Đồng Xuân năm 1925. Paul Bourde viết: "Trên những con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh, sự náo nhiệt vốn đã rất lớn vào ngày thường lại càng lớn hơn vào những ngày phiên chợ". Ảnh: Bộ sưu tập của Viện Viễn Đông bác cổ

Một phiên chợ nhỏ ở bên hông ngôi chùa. Ngày xưa, mọi người thường đựng và bán hàng trong rổ, quang gánh và dùng lá để gói hàng. Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Những gánh hàng rong trên phố Hà Nội. Theo mô tả của Baron - một du khách người Anh đến Hà Nội thế kỷ 17: "Thăng Long có nhiều chợ nhưng vẫn có người bán hàng rong. Họ bán các mặt hàng do chính họ làm ra".

Thông tin tại triển lãm ghi Pháp đánh chiếm Hà Nội năm 1882 nhưng đến năm 1885, an ninh vẫn phức tạp. Các quy định do chính quyền ban hành chưa nhiều nên hàng rong khá tự do. Hà Nội đã đổi khác khi trở thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888, chính quyền quản lý xã hội theo luật của Pháp. Trong giai đoạn này, thu ngân sách nhiều nhất là thuế chợ gồm: thuế hàng hóa, chỗ ngồi nên Hội đồng thành phố đã quyết định tăng số phiên các chợ. Thành phố cũng ra quyết định đánh thuế người bán hàng rong bằng cách thu theo ngày và cấm bán hàng trên vỉa hè. Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Gánh hàng phở bên Hồ Hoàn Kiếm. Phía xa là Thê Húc dẫn đến đền Ngọc Sơn qua cổng Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) nằm chếch dưới những tán đa cổ thụ.

Thời xưa, những gánh hàng rong bị cấm bán trên vỉa hè nên thường xảy ra tình trạng người bán chạy trốn quan tuần tra. Phóng viên Charles Labarthe từng viết: "Đột nhiên ở đầu phố, theo bước chân chạy đều của hai lính mặc quần áo đỏ, ngay lập tức mọi tiếng động ngừng hẳn. Những người bán hoa quả, thịt lợn và hàng hóa biến mất như có phép lạ. Mọi người chen nhau vào những nhà xung quanh. Những người không tìm được chỗ thì quỳ rạp xuống. Tất cả thể hiện sự khiếp sợ cùng cực... Viên quan vừa đi qua, chợ trở lại bình thường". Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Phở gánh Hà Nội xưa. Tiệm phở được xếp gọn gàng trong hai đầu quang gánh, một bên là nồi nước dùng, một bên đựng bát, đùa, thìa, âu... Các gánh phở thường được gọi theo tên phố như phở phố Ga, phố Ô Quan Chưởng... hoặc theo đặc trưng của người bán phở như: phở anh trọc, phở mũ dạ... Ảnh: Bộ sưu tập của Viện Viễn Đông bác cổ

Chợ hoa ven Hồ Gươm. Các cô gái từ làng hoa Ngọc Hà ngồi thành dãy bên phía bờ hồ.

Năm 1952, chính quyền từng thông báo đấu thầu những chỗ ngồi trong quán bán hoa của thành phố, tại góc đại lộ Đinh Tiên Hoàng và phố Anh quốc. Có 22 chỗ ngồi, giá tối thiểu đặt cho một chỗ là 400 đồng một tháng. Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Chợ Đồng Xuân với mặt tiền mang lối kiến trúc Pháp gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.

Dưới thời Pháp thuộc, các chợ cũ vẫn được duy trì. Chính quyền cho xây dựng cầu chợ để gom các chợ nhỏ thành một chợ lớn. Chợ Đồng Xuân được xây dựng từ năm 1890 để gom chợ Bạch Mã, Cầu Đông, trở thành một trong những chợ lớn nhất thời bấy giờ. Bài "Xẩm chợ Đồng Xuân" có viết: "Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân/ Mùa nào thức nấy, xa gần xem mua...". Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Cửa chợ Đồng Xuân trong những ngày giáp Tết khoảng năm 1955. Ban đầu, chợ chỉ họp hai ngày một phiên, nhưng về sau do sự phát triển kinh tế thương mại, chợ họp hàng ngày từ sáng đến tối.

Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Quầy bán hoa cúc ở chợ Đồng Xuân. Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội.

 

Ông đồ mặc áo the, khăn xếp ngồi cho chữ trên hè phố - nét đặc trưng của Tết Hà Nội xưa.

Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội

 Theo Vnexpress.

 

tet_avt_hanoicab
bong_da_1
tet_cover_fb_
Truyền hình cáp Hà Nội là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hữu tuyến đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội...
Liên hệ
Địa chỉ: 30 Trung Liệt - Đống Đa - Hà Nội
Văn phòng Công ty: 024.38572782
Ban biên tập chương trình: 098.2565333
Fax: 024.38572782
ĐĂNG KÝ NHANH
Họ tên:
Điện thoại:
Nội dung yêu cầu:
 
Bản quyền thuộc về: Công ty Cổ Phần Truyền hình cáp Hà Nội
Cơ quan chủ quản: UBND Thành phố Hà Nội
Số giấy phép: 154/GP-BC, cấp ngày 29/08/2005
© Copyright 2018 Hanoicab. All Right Reserved│Design by NGV
1
Bạn cần hỗ trợ?