Một nguyên nhân phổ biến là rò rỉ các chất lỏng dễ cháy như xăng, dầu động cơ, dầu phanh, hay nước làm mát. Khi các bình chứa hoặc đường ống dẫn bị hư hại trong va chạm, những chất này có thể thoát ra ngoài và tiếp xúc với các bộ phận nóng, chẳng hạn như dầu động cơ tiếp xúc với khối động cơ nóng hoặc dầu phanh tiếp xúc với đĩa phanh nóng, gây cháy. Rò rỉ có thể do va chạm mạnh, nắp bình chứa không đóng kín, hoặc các ống dẫn bị hao mòn theo thời gian.
Ngoài ra, khi xe va chạm, hệ thống điện có thể bị đoản mạch, tạo tia lửa khiến các chất lỏng dễ cháy bắt lửa. Khoang động cơ cũng thường chứa rác hữu cơ như lá cây hay giấy vụn, những thứ này khi gặp tia lửa cũng có thể gây cháy. Động cơ và ống xả bị hư hại trong tai nạn cũng có thể làm tăng nguy cơ cháy nếu hệ thống làm mát không còn hoạt động, khiến các bộ phận này bị quá nhiệt và dễ bắt lửa khi tiếp xúc với vật liệu cháy.
Cách xử lý khi ôtô có nguy cơ cháy
Khi phát hiện dấu hiệu xe có thể cháy, như mùi khói, khói đen dưới nắp ca-pô, hoặc các chỉ số như nhiệt độ động cơ và mức dầu thay đổi đột ngột, tài xế cần tắt máy ngay lập tức.
Sau đó, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho mọi người trên xe. Tài xế hoặc người còn tỉnh táo phải nhanh chóng sơ tán hành khách ra ngoài và đưa họ đến khu vực an toàn. Nếu cửa xe bị kẹt, hãy cố gắng phá cửa kính hoặc cửa sổ trời để thoát ra ngoài. Nếu có khói trong xe, hạ cửa kính để khói thoát ra, tránh ngạt thở.
Nếu cháy xảy ra trong khoang máy, tuyệt đối không mở nắp ca-pô, vì điều này có thể khiến lửa bùng lên mạnh hơn do oxy tràn vào. Ngay lập tức gọi cơ quan cứu hỏa để được hỗ trợ kịp thời.